Bệnh đái tháo đường hay bệnh tiểu đường thuộc nhóm bệnh lý nội khoa, hình thành do sự rối loạn chuyển hóa insulin trong cơ thể, làm cho lượng đường trong máu cao hơn mức cho phép. Theo ước tính của các chuyên gia, đến năm 2030 toàn thế giới sẽ có khoảng 500 triệu người mắc bệnh đái tháo đường. Đây quả là một con số đáng báo động. Khi mắc bệnh tiểu đường, bạn sẽ phải đối mặt với vô vàn biến chứng nguy hiểm của căn bệnh này. Trong đó không thể không nhắc đến biến chứng tiểu đường ở mắt khiến thị lực của người bệnh suy giảm nhanh chóng, nguy hiểm hơn có thể bị mất thị lực hoàn toàn.
Người bệnh tiểu đường có nguy cơ bị tăng nhãn áp so với những người khỏe mạnh không mắc bệnh khoảng 40%. Thời gian mắc bệnh càng lâu, nguy cơ bị tăng nhãn áp càng lớn. Nguyên nhân chính là do thủy dịch trong mắt dẫn lưu kém làm tạo áp lực lớn lên mắt dẫn đến tình trạng tắc nghẽn các mạch máu nuôi dưỡng võng mạc và các dây thần kinh thị giác gây ảnh hưởng đến tầm nhìn của người bệnh tiểu đường.
Khi mắt bị đục thủy tinh thể, bạn sẽ nhìn mọi thứ xung quanh mờ hơn, cảm giác như có màn sương mù phía trước khiến bạn không thể nhìn rõ. Các bác sĩ chuyên khoa cho biết, người bệnh tiểu đường khả năng gặp hội chứng đục thủy tinh thể chiếm đến khoảng 60%. Trước đây, căn bệnh này thường gặp ở những người cao tuổi, tuy nhiên ngày nay xu hướng xuất hiện ở người trẻ tuổi đang tăng dần.
Nguyên nhân gây mất thị lực phổ biến nhất với người tiểu đường đó là do bệnh võng mạc hay còn được gọi là biến chứng đáy mắt. Hiện tượng này xảy ra do các mạch máu nhỏ ở võng mạc bị tổn thương. Khi bệnh tiến triển phức tạp hơn có thể gây lên những bệnh lý khác kèm theo như: xuất huyết dịch kính, bong võng mạc, …
Khi chỉ số đường huyết tăng cao trong khoảng thời gian dài nó sẽ làm tổn thương đến các mao mạch của võng mạc, làm tăng tính thấm thành mạch khiến huyết tương xâm nhập vào võng mạc gây tình trạng phù nề. Lúc này, mao mạch đã bị phá hủy gây tắc và làm thiếu máu vận chuyển đến võng mạc, khi đó cơ thể sẽ phản ứng lại bằng cách kích thích sự phát triển các mạch máu mới để nuôi dưỡng những vùng võng mạc này. Tuy nhiên, những mạch máu này khá mỏng và dễ vỡ gây ra các biến chứng như: xuất huyết dịch kính, xơ hóa gây co kéo bong võng mạc, ...
Những ảnh hưởng của bệnh tiểu đường trên võng mạc làm cho võng mạc bị tổn thương nặng và nguy cơ bị mất thị giác vĩnh viễn rất cao.
Trong giai đoạn đầu, người bệnh có thể không cảm thấy bất thường nhưng khi bệnh tiến triển nặng hơn bạn có thể gặp những triệu chứng như:
Khó phân biệt màu sắc
Cảm giác có đốm đen hoặc các sợi màu đen ở trước mắt
Nhìn mờ, lóa
Nhìn mọi vật xung quanh dao động
Bạn cần chú ý, thời gian mắc bệnh tiểu đường càng lâu thì nguy cơ gặp biến chứng về mắt càng lớn. Đặc biệt là với những đối tượng sau:
Chỉ số đường huyết luôn không ổn định
Bị bệnh tăng huyết áp
Hàm lượng cholesterol trong máu cao
Phụ nữ có thai
Người có thói quen hút thuốc lá
Biến chứng tiểu đường ở mắt nếu được phát hiện và điều trị sớm sẽ giúp người bệnh giảm 95% nguy cơ bị mù lòa. Chính vì vậy, Bộ Y Tế khuyến cáo người bệnh đái tháo đường nên đi kiểm tra mắt ít nhất 1 lần/năm.
Chúng tôi hy vọng rằng, những thông tin được chia sẻ trong bài viết trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn về một trong những biến chứng nguy hiểm của bệnh tiểu đường giúp ích trong quá trình chăm sóc sức khỏe bản thân nhé.
Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *